Quy hoạch tỉnh như mở con đường lớn, để Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tiên phong, đột phá, định vị vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của vùng và cả nước. Quan trọng hơn, Nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng hạnh phúc là mục tiêu, đích đến quan trọng nhất của phát triển.
Phát triển bền vững dựa trên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Hội nghị triển khai Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được tổ chức cuối tuần qua đã làm rõ điểm mạnh, tiềm năng và định hướng của Bà Rịa-Vũng Tàu trong tương lai.
Đầu tiên, tỉnh phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế, tương xứng với vai trò, chức năng cảng đặc biệt quốc gia. Đồng thời, hình thành khu thương mại tự do; xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiêp – đô thị – dịch vụ tại thành phố mới Phú Mỹ, thu hút đầu tư các dự án hoá dầu, hạ nguồn hoá dầu, điện – điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo.
TP.Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; phát triển Côn Đảo hoàn thiện mô hình khu du lịch quốc gia, trở thành đô thị du lịch sinh thái biển đảo. Không chỉ có các chỉ tiêu về kinh tế, một chủ trương quan trọng của tỉnh là xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên, kinh tế phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon (Net zero) vào năm 2050.
Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hình thành 4 vùng chức năng gồm: công nghiệp – cảng biển; du lịch và đô thị biển; nông nghiệp và cân bằng sinh thái; vùng biển và hải đảo. Kinh tế phát triển theo 3 trục động lực gồm: Trục kinh tế công nghiệp – cảng biển Cái Mép – Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL51; trục công nghiệp – logistics dọc cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; trục du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Tạo không gian phát triển hút nhà đầu tư
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Tân Phước Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh nhận định, quy hoạch lần này gỡ được nhiều nút thắt, giúp DN có cơ hội đầu tư đúng, trúng và hiệu quả. Việc hiện thực hóa quy hoạch, tạo ra hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, bền vững tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển và hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nói riêng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong những năm tới.
“Bám vào các nội dung, định hướng của Quy hoạch tỉnh là kim chỉ nam để Tân Phước Thịnh nói riêng, các thành viên của Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh nói chung xây dựng, triển khai các hướng phát triển chiến lược trong thời gian tới, trên cơ sở phát huy những lợi thế, năng lực nội tại để mạnh dạn, đột phá, sáng tạo nắm bắt thời cơ, đón đầu xu hướng phát triển”, ông Triêm nói.
Còn ông Lee Sang Woon, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, một DN hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục khẳng định chủ trương “đặt tương lai 100 năm nữa tại Việt Nam”, bằng cách mở rộng đầu tư trong tương lai. Bà Rịa – Vũng Tàu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược này. “Với quy hoạch mới được phê duyệt, tỉnh tiếp tục củng cố vị thế là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ lợi thế là cửa ngõ hàng hải của vùng và cả nước; có lực lượng lao động dồi dào và trình độ cao; cơ sở hạ tầng tốt và chính sách ưu đãi hấp dẫn”, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung nhấn mạnh.
Đón “thời điểm vàng” phát triển
Với sự tích lũy và dày công vun đắp của các thế hệ lãnh đạo tỉnh trong 33 năm qua, trên cơ sở định hướng quan trọng trong Quy hoạch tỉnh, Bà Rịa – Vũng Tàu được đánh giá đang ở “thời điểm vàng”, hội tụ đầy đủ các yếu tố để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, chính quyền tỉnh luôn tâm niệm sâu sắc, sự phát triển của tỉnh phải dựa trên sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng, khu vực; phát huy tối đa các điều kiện thiên nhiên ban tặng và lợi thế khác của tỉnh như hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải, Khu thương mại tự do Cái Mép gắn với sân bay quốc tế Long Thành; các dự án hạ tầng giao thông kết nối Vùng như Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An nhằm hiện thực hóa Quy hoạch Vùng, góp phần cho sự phát triển phồn vinh của Quốc gia.
“Bà Rịa – Vũng Tàu cam kết sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển bền vững, thịnh vượng của DN, nhà đầu tư, tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả nhất. Chúng ta cùng chúc cho mảnh đất này luôn là điểm đến tin cậy của du khách, nơi đáng sống của cộng đồng dân cư, nơi làm việc, nghiên cứu lý tưởng của chuyên gia; tạo ra cơ hội đầu tư, phát triển, thành công cho DN”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NHÓM PV
———————–
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT)
Kiên định mục tiêu phát triển bền vững
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch tích hợp bao gồm tất cả các lĩnh vực nên rất khác so với các quy hoạch trước đây – riêng rẽ từng ngành, từng lĩnh vực.
Theo đó, Quy hoạch đã bố trí không gian phát triển kinh tế của tỉnh bảo đảm phân vùng phát triển hợp lý, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng vùng lãnh thổ, vừa giảm thiểu tác động xung đột giữa các ngành kinh tế trụ cột bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.
Ngoài ra, quy hoạch mới cũng bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh, tăng trưởng kinh tế gắn với khoa học – công nghệ trong nước và cả quốc tế. Đồng thời tiếp tục kế thừa, phát huy, điều chỉnh, cụ thể và đưa vào nhiều nội hàm mới. Ví dụ trước đây, xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm định hướng phát triển lớn đến nay vẫn còn nguyên giá trị chẳng hạn như tổ chức liên kết quốc gia, liên kết vùng.
ÔNG TẠ QUỐC TRUNG, GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG
Quy hoạch mang tính đồng bộ cao
Việc tích hợp các quy hoạch trong đó có quy hoạch xây dựng, đô thị sẽ giúp Bà Rịa – Vũng Tàu huy động các nguồn lực hiệu quả nhất; việc đầu tư tiết kiệm, bài bản và khoa học hơn. Ngoài ra, các quy hoạch ngành được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh sẽ có tính tương hỗ, bổ sung cho nhau, tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thiện quy hoạch tỉnh một cách hiệu quả mang tính đồng bộ cao.
Đối với quy hoạch chung xây dựng, chúng tôi đang tập trung cùng các địa phương sớm hoàn thành và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung TX.Phú Mỹ làm cơ sở để Phú Mỹ lên thành phố trong năm 2024. Đồng thời, khẩn trương cùng TP.Bà Rịa rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố trình UBND tỉnh phê duyệt. Song song đó, 3 đô thị mới đang hoàn thiện hồ sơ để lấy ý kiến Bộ Xây dựng là đô thị mới Hòa Bình, đô thị mới Bình Châu và đô thị mới Hồ Tràm thuộc huyện Xuyên Mộc.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã hoàn tất hồ sơ để Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Côn Đảo.
Ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư Thị ủy Phú Mỹ
Động lực để Phú Mỹ tiến bước
Theo Quy hoạch, TX.Phú Mỹ thuộc Vùng chức năng công nghiệp – cảng biển, phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp – dịch vụ – đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ. Phú Mỹ liên kết hiệu quả với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh và các tuyến cao tốc của vùng Đông Nam Bộ, gắn kết với hành lang kinh tế Mộc Bài – TP.Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Vũng Tàu và hành lang kinh tế Xuyên Á.
Phú Mỹ đã có nền tảng trước đó để phát triển trục kinh tế động lực công nghiệp – cảng biển – dịch vụ logistics. Hiện nay, địa bàn tập trung nhiều dự án trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh như: Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, Khu thương mại tự do, Đường sắt cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, các tổ hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị dọc tuyến Vành đai 4…
Quy hoạch tỉnh với các định hướng như trên càng khẳng định rõ vị trí cửa ngõ chiến lược về giao thông và giao thương “đắc địa” của Phú Mỹ, là động lực phát huy toàn diện các tiềm năng lợi thế của Phú Mỹ đóng góp nhiều hơn nữa cho tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và kinh tế quốc gia.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức
Lợi thế lớn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
Với điều kiện thuận lợi về giao thông, ví dụ như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 và đặc biệt là sân bay Long Thành, những công trình hạ tầng như vậy có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của huyện Châu Đức. Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ sẽ là điểm nhấn tuyệt vời để DN, nhà đầu tư lựa chọn Châu Đức là điểm đến trong tương lai. Theo định hướng trong Quy hoạch tỉnh, sẽ phát triển 6 KCN với diện tích khoảng 6.200ha, đây là một lợi thế lớn, dư địa lớn cho huyện Châu Đức.
Trong thời gian tới, huyện sẽ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, để tăng sản phẩm từ nông nghiệp, các mặt hàng đặc trưng của huyện Châu Đức, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.